Trứng (miền Nam gọi là hột) là sản phẩm động vật từ các loại gia cầm, chim chóc đẻ ra, thường được sử dụng làm nguồn thức ăn cung cấp protein cho người. Bề ngoài của trứng thường có hình bầu dục, hai đầu không cân bằng, một to một nhỏ. Các loại trứng phổ biến nhất là trứng gà, trứng vịt (trứng lộn), trứng chim cút (trứng cút) ngoài ra còn có trứng ngỗng, trứng đà điểu.
Dinh dưỡng
Chất lipit có trong lòng đỏ, triglixerit 62,3%, photpholipit 32,8% và cholesterol 4,9% với một ít aminolipit. Vỏ cứng chứa: cacbonat canxi khoảng 98,43%, cacbonat magiê 0,84% và photphat canxi 0,73% theo trọng lượng. Còn xét tổng thể quả trứng, phần nước chiếm khoảng 65,7%, protit 12%, lipit 10,6%, gluxit 0,8% và khoáng chất 10,9% về trọng lượng.
Trứng có nguồn chất béo Lecithin theo các nghiên cứu gần đây cho thấy nó có tác dụng điều hòa lượng cholesterol, ngăn ngừa tích lũy cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách chất này và bài xuất các thành phần thu được ra khỏi cơ thể. Ngoài ra lượng cholesterol trong trứng không làm tăng mức cholesterol trong máu khi ăn vì nó giảm việc sản xuất cholesterol của cơ thể.[1]
Chế biến
Trứng có thể làm nhiều món ăn, hoặc sử dụng toàn bộ quả trứng hoặc chỉ sử dụng lòng trắng hay lòng đỏ. Các món sử dụng trứng làm nguyên liệu chính thông dụng nhất thường gặp là trứng luộc, trứng ốp la (trứng rán), trứng muối.
Lợi ích
Ngoài cung cấp các chất dinh dưỡng như những số liệu nêu trên, trứng gà còn giúp làm đẹp và chữa các bệnh thông dụng như kiết lỵ, đau dạ dày...